MỤC TIÊU SMART - CÔNG THỨC CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG
"Không có kế hoạch, mục tiêu chỉ là một ước mơ."— Antoine de Saint-Exupéry
Nếu bạn đang đọc bài này, có lẽ bạn đã từng nghe qua câu nói:
"Không có kế hoạch, mục tiêu chỉ là một ước mơ." — Antoine de Saint-Exupéry
Bạn đã từng đặt ra mục tiêu với đầy đủ nhiệt huyết và sự quyết tâm, rồi dần dần mất tập trung và dạt ra khỏi mục tiêu đó? Và đôi khi, bạn quay lại và tự hỏi nếu như mình không bỏ cuộc, thì giờ này đã đi được bao xa.
Thật ra, bạn không phải là người duy nhất đâu.
Bài viết này sẽ chia sẻ một công cụ giúp bạn đạt được những mục tiêu đó. Đây không phải là một phương pháp ngớ ngẩn do ai đó ngồi sau bàn phím nghĩ ra. Đây là hệ thống mà GE (General Electric) đã sử dụng từ những năm 80 để đạt được những mục tiêu lớn.
Vậy làm thế nào để chúng ta chuyển từ việc ước mơ sang đặt mục tiêu thực sự?
Mục tiêu SMART có thể là một cụm từ "hàn lâm" nữa khiến bạn phải nhớ. Tuy nhiên, chính hệ thống này có thể giúp bạn vượt qua được nhiều khó khăn khi đặt mục tiêu cho bản thân, cả trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Mục tiêu SMART là:
Cụ thể (Specific)
Có thể đo lường (Measurable)
Khả thi (Achievable)
Phù hợp (Relevant)
Có thời hạn (Time bound)
Một phần lớn lý do tại sao chúng ta không xác định rõ mục tiêu là vì bị cuốn theo làn sóng động lực và thiết lập một mục tiêu đầy tham vọng rồi bắt tay vào làm. Nhưng quên mất việc xây dựng kế hoạch hành động. Dù bạn yêu thích một dự án đến đâu, nó cũng sẽ trở nên khó khăn, bạn sẽ muốn bỏ cuộc, trì hoãn hoặc chỉ làm khi "cảm thấy có hứng". Nhưng nếu bạn có sẵn một kế hoạch để quay lại khi gặp khó khăn, điều đó thực sự có ích.
Hãy tưởng tượng mục tiêu SMART của bạn như một quả pháo. Việc châm ngòi cho pháo là bước đầu tiên, nhưng nếu không có thuốc pháo thì nó sẽ chỉ có tiếng “bùm” nhỏ rồi dập tắt, như một quả pháo không có sức nổ. Kế hoạch chính là thuốc pháo của bạn. Không có nó, bạn gần như chắc chắn sẽ không thể thành công.
Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu phân tích từng yếu tố trong SMART để tạo ra những mục tiêu tốt hơn.
1. Mục tiêu Cụ thể (Specific)
Điều này rất quan trọng. Để một mục tiêu SMART có cơ hội thành công, nó phải thật cụ thể.
Mục tiêu thông thường: "Tôi muốn có vóc dáng tốt hơn."
Mục tiêu cụ thể: "Tôi muốn giảm 10 kg trước ngày 1 tháng 10."
Đây chính là nền tảng để bạn xây dựng mục tiêu của mình. Từ đây, tất cả mọi thứ sẽ phát triển. Việc suy nghĩ chi tiết về mục tiêu giúp bạn xác định rõ ràng và giúp bạn sẵn sàng hơn về tinh thần để đạt được mục tiêu đó.
Hãy tạo ra mục tiêu như thể bạn đang ước một điều gì đó, nhưng nhớ rằng ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực chỉ khi bạn yêu cầu chính xác những gì mình muốn.
Để làm điều này, hãy trả lời các câu hỏi: Ai (Who), Cái gì (What), Khi nào (When), Ở đâu (Where), Cái nào (Which).
Ai (Who): Mục tiêu này liên quan đến ai? Đồng nghiệp, sếp, đối tác, v.v.
Cái gì (What): Bạn thực sự muốn đạt được điều gì? Càng chi tiết càng tốt.
Khi nào (When): Thời gian hoàn thành là khi nào?
Ở đâu (Where): Địa điểm có quan trọng không? Nếu không, có thể bỏ qua.
Cái nào (Which): Tài nguyên và giới hạn của bạn là gì? Bạn cần gì để đạt được mục tiêu?
2. Mục tiêu Có thể đo lường (Measurable)
Câu nói nổi tiếng: "Cái gì được đo lường sẽ được quản lý" — Peter Drucker.
Làm sao bạn biết được mình đã tiến bộ như thế nào nếu không có gì để đo lường?
Bạn sẽ đánh giá thành công của mục tiêu này như thế nào? Bạn sẽ sử dụng các chỉ số nào? Cài đặt các cột mốc sẽ giúp bạn theo dõi tiến trình và tạo động lực cho bản thân.
Thay vì nói rằng bạn muốn "Cải thiện sự hài lòng của khách hàng", bạn có thể đặt mục tiêu "tăng điểm hài lòng của khách hàng từ 75% lên 90% hoặc cao hơn trong các cuộc khảo sát hàng tuần".
3. Mục tiêu Khả thi (Achievable)
Liệu mục tiêu này có thể đạt được không?
Đặt ra mục tiêu không khả thi chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi. Hãy đặt mục tiêu cao nhưng vẫn trong khả năng đạt được. Đừng quá dễ dàng, nhưng cũng đừng quá khó khăn.
Hãy nghĩ về những gì bạn cần làm để có đủ kỹ năng và tài nguyên đạt được mục tiêu.
Ví dụ, bạn không thể tạo ra một ứng dụng với một tỷ người dùng nếu không biết lập trình, nhưng bạn hoàn toàn có thể học cách lập trình và bắt đầu từ đó.
Hoặc Đối với việc học một ngôn ngữ mới, bạn sẽ cần thời gian, vì vậy một mục tiêu khả thi có thể là "Tôi muốn học giao tiếp cơ bản bằng tiếng Tây Ban Nha trong ba tháng" thay vì "Tôi muốn nói tiếng Tây Ban Nha thành thạo trong hai tháng."
Việc bảo vệ khả năng đạt được mục tiêu của bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn là người đặt ra mục tiêu. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Khi mục tiêu được giao từ ai đó, hãy đảm bảo truyền đạt mọi hạn chế mà bạn có thể đang phải chịu. Ngay cả khi bạn không thể thay đổi mục tiêu cuối cùng, ít nhất bạn có thể nêu rõ lập trường của mình (và mọi rào cản tiềm ẩn) ngay từ đầu.
4. Mục tiêu Phù hợp (Relevant)
Mục tiêu này có phù hợp với những gì bạn muốn đạt được trong cuộc sống không? Nó có phục vụ cho mục tiêu lớn hơn của bạn không?
Đây là lúc để suy nghĩ về lý do bạn bắt đầu mục tiêu này. Đặt ra lý do "tại sao" có thể giúp bạn gắn bó với mục tiêu của mình khi gặp khó khăn.
Ví dụ: Nếu muốn trở thành kế toán, bạn có thể chọn hoàn thành chứng chỉ CIA (chứng chỉ danh giá nhất thế giới và là chứng chỉ duy nhất được công nhận toàn cầu trong lĩnh vực Kiểm toán nội bộ), thay vì lựa chọn chứng chỉ PCAP (Chứng chỉ lập trình viên uy tín nhất dành cho ngôn ngữ lập trình Python).
Hoặc nếu công ty của bạn chủ yếu tập trung vào việc tăng dữ liệu khách hàng, thì việc đặt mục tiêu giảm chi phí hoạt động có thể không phải là mục tiêu phù hợp nhất. Thay vào đó, hãy ưu tiên các mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho nỗ lực thu hút và giữ chân khách hàng.
5. Mục tiêu Có thời hạn (Time bound)
Đây là yếu tố quan trọng nhưng cũng khó thực hiện nhất trong SMART.
Mọi người đều ghét thời hạn, nhưng chúng ta cần chúng để có mục tiêu để hướng tới. Thời hạn giúp bạn tạo ra một lộ trình rõ ràng và không để công việc trở nên vô tận.
Ví dụ, “Tôi sẽ hoàn thành việc chỉnh sửa cuốn sách của mình vào cuối năm nay.”
Hoặc đối với bộ phận Tiếp thị: “Giảm chi phí thu hút khách hàng (CAC) từ 5 triệu đồng/khách hàng tiềm năng xuống còn 3 triệu đồng/khách hàng tiềm năng vào cuối quý.”
Mục tiêu thử thách
Và đừng quên thêm một "mục tiêu thử thách" vào SMART của bạn – một mục tiêu đầy tham vọng, để không khiến mục tiêu của bạn trở thành một danh sách việc cần làm tẻ nhạt.
Như Bruce Lee đã nói: "Mục tiêu không phải lúc nào cũng để đạt được; nó thường chỉ là một điều gì đó để nhắm đến."
Cuối cùng, hành trình để đạt được mục tiêu có thể mang lại những bài học quý giá không kém gì việc hoàn thành nó.
Tổng kết
Bạn đã cảm thấy "SMART" hơn chưa? Như với bất kỳ quy trình mới nào, đừng kỳ vọng mọi thứ sẽ hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Nhưng hãy tin rằng, nếu bạn áp dụng đúng phương pháp này, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn trong việc đạt được mục tiêu của mình.
Hãy để lại những bình luận bên dưới bài viết này những quá trình cũng như kết quả bạn đạt được sau khi áp dụng SMART nhé.
Nguồn tham khảo:
Cody. (2020, October 20). The goal setting system used by the most successful people. Author.